Đĩa CD

Hôm nay trên đường về tôi tình cờ bắt gặp hình ảnh một cậu bé đang vòi mẹ mua cho món đồ chơi ở một quầy hàng đồng giá 39k. Chợt tôi nhớ về một kỉ niệm thuở bé. Tôi không nhớ rõ đó là vào năm mình mấy tuổi. Chỉ nhớ lúc đó gia đình tôi vẫn đang sống tại căn nhà tam giác nằm phía trên một con dốc nhỏ và tôi thì bé tí teo. Hôm đó là sinh nhật tôi, mẹ đã mua một đĩa phim siêu nhân và đưa nó cho tôi kèm một lời chúc mừng sinh nhật, một vài lời động viên mong cho tôi sẽ học hành chăm chỉ, ngoan ngoãn. Tôi đã rất vui. Và không thể đợi chờ lâu, tôi liền mở nó ra và cho vào đầu đĩa (hồi đó tôi gọi vậy và giờ cũng không biết gọi nó là gì (◕‿◕)). Trong lúc mẹ đang tất bật trong căn bếp thì tôi ở ngoài này đang háo hứng chờ những thước phim đầu tiên.

Từ từ mở bì bóng, nhẹ nhàng cho nó vào ngăn đĩa và bấm nút. Mọi thứ đều trơn tru. Những thước phim đầu tiên hiện ra cũng là lúc tôi vỡ òa trong sung sướng. Nhưng đĩa CD đó thì có vẻ không được trơn tru cho lắm. Nó bị “rít” - cứ xem được vài đoạn nhỏ thì nó bị khựng lại, tiếp đến là những khung hình chồng chéo lẫn nhau. Từng hồi từng hồi làm tôi không còn vui nữa, thay vào đó là một nỗi bức xúc và dần dần chuyển thành cơn giận - một cơn giận của một đứa trẻ. Tôi đã lớn tiếng với mẹ, đổ thừa rằng việc chiếc đĩa CD đó như vậy là vì mẹ đã không thương tôi, đã không quan tâm tôi nên đã tặng một món quà như thế. Mẹ chạy trong bếp ra, tay vội chùi vào hai bên hông và cố sửa nó cho tôi. Mẹ đã dùng một cách vệ sinh đĩa cổ điển nhất, đó là một chút nước bọt và dùng miếng lau lau sạch bề mặt đĩa. Nó bóng loáng hơn thật nhưng lại không có chút tác dụng nào. Tôi bảo mẹ đừng cố nữa và khóc bù lu bù loa cả lên. Mẹ dỗ tôi và bảo sẽ đổi nó khi mẹ đi chợ vào ngày mai.

Có lẽ tôi chưa bao giờ háo hức chờ mẹ đi chợ về như buổi trưa hôm ấy. Tiếng xe mẹ về đến cửa. Tôi vội chạy ra, không nhớ là mình có phụ mẹ xách những bao trái cây vào như thường lệ hay không. Lấy chiếc đĩa mới và test ngay. Điều gì đến cũng sẽ đến, chiếc đĩa CD lần này có vẻ khá hơn chiếc đĩa trước. Khoảng 10%. Tôi lại méo mó, nằng nặc đòi mẹ đi đổi ngay cho tôi chiếc đĩa mới.

Mọi thứ sau đó tôi không nhớ rõ. Hôm đó mẹ có chở tôi đi đổi chiếc đĩa mới? Hay liệu tôi còn có những biểu hiện trẩu tre nào khác không. Chỉ biết rằng là từ đó, tôi đã không có kỉ niệm nào về các buổi sinh nhật sau này nữa và những lần đi chợ với mẹ tôi đều trở nên trầm tính và không đòi hỏi gì hơn. Có lẽ là còn những mảnh ghép khác nữa đã hình thành nên tôi như thế. Mẹ thường hỏi tôi có muốn ăn chè không, muốn ăn cái này không, hai mẹ con mình ngồi ăn cho vui rồi về. Nhưng lúc nào cũng vậy, tôi luôn trả lời là không.

“dạ con không thèm, với lại tốn tiền lắm mẹ”.

Cứ thế, những lần đi chơi với mẹ lúc nhỏ, hai mẹ con tôi rất ít lần ngồi ăn vặt với nhau. Và thật bất hạnh cho đứa em nào đi chợ với mẹ nhưng lại có tôi ở đó. Với mỗi lần mẹ tôi rủ cùng ăn một cái gì đó chẳng hạn, thì chỉ với một cái liếc mắt, cơn thèm ăn của đứa em tôi đã tan biến.

Bây giờ nhìn lại tôi thấy điều đó có vẻ thật ngu ngốc và ích kỉ. Ngu ngốc khi cho rằng việc mình làm có ý nghĩa thật lớn lao mà bỏ đi những cơ hội được cùng nhau vui vẻ. Ích kỉ vì đã chỉ nghĩ đến bản thân mình mà quên đi rằng những điều mà người thân của tôi thật sự muốn vào lúc đó. Nếu không vì vậy thì có lẽ chúng tôi đã có nhiều kỉ niệm hơn, nhiều niềm vui bên nhau hơn.

Không biết có phải vì kỉ niệm trên mà tôi đã trờ nên không thích việc tổ chức sinh nhật bản thân. Thật sự là bản thân tôi không thấy hào hứng gì về ngày này lắm. Tôi nghĩ đây là dịp để tặng một món quà gì đó cho mẹ thì hợp lý hơn hay dẫn mẹ đi ăn một món gì ngon chẳng hạn. ٩(◕‿◕。)۶

Phải nói là thật may mắn khi bằng một cách nào đó tôi hiểu là bản thân mình không nên đòi hỏi và vòi vĩnh, không chỉ riêng gì từ mẹ, gia đình mà còn là những điều xung quanh khác. Bài học này luôn nhắc nhở tôi đến thời điểm hiện tại và cả sau này nữa. Mà hài cái là mỗi khi tôi muốn mua gì đó, phải mất một khoảng thời gian lâu thì tôi mới chốt được. Thường là chốt không mua, vì tôi nghĩ chắc không mua thì cũng có chết gì đâu, dùng mấy thứ khác thay thế là được. Điều đó nghe có vẻ hơi keo kiệt nhưng một khi tôi đã chốt mua, tôi sẽ luôn chọn món đắt nhất mà tôi có thể chi trả ( 。 •̀ ᵕ •́ 。) nghĩ là nó thật sự cần thiết nên mình chỉ mua một lần và sẽ dùng cái này cho tới khi nó không còn xài được nữa. Hmm, tính đến giờ thì cũng đã mua được ít nhất hai món như vậy cho bản thân rồi. Tất nhiên là trong hai thứ đó, không có tên của chiếc niệm - thứ mà tôi đã nghĩ gần một năm nay, mà vẫn chưa đầu tư được mặc dù nó giúp ích rất nhiều cho giấc ngủ của mình.

  • “Nằm dưới sàn vậy cũng được, lạnh tí nhưng có chết méo đâu. Hơn nữa mình cũng quen rồi, lỡ nằm nệm một thời gian cái sau này sa cơ ra đường nằm lại không chịu được”.

Hầu như kiểu suy nghĩ này luôn đi theo tôi trong hầu hết mọi trường hợp, mọi hoạt động sinh hoạt hằng ngày của mình khi mà tôi được làm chủ tình hình hoặc ở một mình. Cũng có rất nhiều việc khác mà tôi cho bản thân mình được phép chọn điều tốt hơn, tốn kém hơn nhưng nhận lại được một cái gì đó chẳng hạn. Không phải lúc nào tôi cũng luôn gượng ép mình theo những nguyên tắc mà bản thân đề ra. Tuy vậy nhưng chưa bao giờ tôi thật sự “thả lỏng” tuyệt đối, bởi vì lúc nào tôi cũng sợ rằng nếu mình quên mất những trải nghiệm khó khăn trước đây mà thay vào nó bằng những cảm giác mới mẻ, vui sướng hơn thì vào một ngày nào đó, tôi sẽ cảm thấy hối hận và sẽ khó thích nghi lại nếu rơi vào tình cảnh không thuận lợi.

Tôi hiểu là ai cũng chịu khổ cực nên không thể nói là mình có nhiều hơn họ được. Tôi đã từng nghĩ mình rất nghèo khổ cho đến khi dần lớn, trải qua nhiều thứ hơn, tôi đã nhận thức được những điều mà trước đây mình cho rằng là khổ cực chẳng qua cũng chỉ là những điều bình thường. Chỉ là mình quá nhỏ bé, chưa đủ sự hiểu biết và mạnh mẽ để vượt qua những hoàn cảnh đó.

“Có thể là tôi bị hội chứng Stockholm. Khi cuộc sống tốt hơn, tôi vẫn thích ở lại ổ chuột.”

p.