Tâm sự chút he

Tâm sự chút he

Vậy là cũng đã được một tháng chính thức bước vào sự nghiệp của Developer, cột mốc mà tôi rất mong đợi từ lúc bắt đầu nghiêm túc chọn con đường này và đi theo nó.

Tuy trong tháng vừa rồi tôi chỉ mới bắt đầu training nhưng tôi cũng đã cảm nhận được rất rõ không khí của môi trường làm việc nghiêm túc là như thế nào, sự tập trung, tinh thần và trách nhiệm của mọi người xung quanh. Tập trung vào các bài test của mình, tôi bắt đầu thấy được nhiều điều mình còn thiếu, những điều mà bản thân luôn tò mò khi còn là thực tập sinh và từ đó mà học hỏi được rất nhiều.

1. Sự tỉ mỉ, cẩn thận

Nếu bạn nghĩ rằng hoàn thành việc gì đó là khi bạn đạt được mục tiêu, yêu cầu của công việc thì có lẽ điều đó chưa đúng, hoặc chỉ đúng với những công việc cá nhân hay là tiêu chí hoàn thành của bạn thấp. Tôi cũng từng cho rằng bản thân đã hoàn thành khá nhiều công việc, rồi từ cái cảm giác hài lòng khi hoàn thành đó, tôi dần chủ quan hơn khi đánh giá lại. Đối với những việc cá nhân có lẽ điều đó không gây ảnh hưởng quá nghiêm trọng. Nhưng nếu sự chủ quan đó thành thói quen thì sẽ cực kỳ nguy hiểm nếu bạn tham gia vào những công việc, dự án tập thể. Đối với 1 lập trình viên thì sự tỉ mỉ, cẩn thận luôn là điều đầu tiên cần chú ý trước khi làm bất cứ điều gì. Vì khi một sai lầm nhỏ xảy ra cũng có thể mang lại hậu quả rất lớn, thậm chí cả tiền bạc và sự nghiệp.

2. Sự bền bỉ :))

Nếu bạn nghĩ rằng việc ngồi làm việc kiểu văn phòng thì không cần đến sức lực thì bạn cũng giống tôi đấy. Làm IT thì sẽ mệt mỏi về đầu óc thôi chứ nhỉ. Mà sao tôi cứ thấy sai sai kiểu gì.

Đi làm nếu tính ra thời gian thực tập thì được có 3 tháng mà mắt đã mờ đi rõ rệt, mông lép đi phân nửa, lưng thì đau như kiểu ông già 80. Ở công ty 8 tiếng về nhà thêm 2 tiếng bù giờ nữa, trọn lẹn một ngày ngồi 10 tiếng.

Tuyệt vời

3. Một tâm lý vững vàng

Nếu bạn là một người không dễ lắng nghe ý kiến từ những người xung quanh, hay dễ bị tác động tâm lý của những ý kiến đó thì khi bước vào môi trường này, bạn nên có sự chuẩn bị đôi chút đấy. Hoặc là bạn sẽ học được cách đón nhận các feedback một cách tích cực, hoặc là bạn sẽ cảm thấy ngột ngạt :v. Tôi không phải là người cảm thấy bình thường khi đón nhận các feedback, ngược lại, tôi thấy buồn và khó chịu kinh khủng. Sự khó chịu ở đây bắt nguồn từ việc thất vọng với bản thân, nghĩ rằng năng lực của mình không đủ và điều đấy làm mất thời gian của mình và người khác. Nhưng cũng chính cảm giác đó cũng thúc đẩy bản thân tôi cố gắng hơn, có trách nhiệm hơn đối với mỗi dòng mình viết. Đôi khi tôi chỉ nghĩ nếu feedback dễ nghe hơn chút thì tốt biết mấy =)).

image.png

4. Ngoài lề

Bản thân tôi từ một người trái ngành chuyển sang IT, à mà cũng không đúng lắm vì tôi không có học đại học để có cái "ngành" gì, nhưng lại có thể đến với môi trường này một cách nhanh chóng. Khi tôi chia sẻ rằng bản thân đã tự học trong vòng 5 tháng để có được ví trí như hiện tại thì có vẻ nhiều bạn không tin điều đó, thậm chí cả người phỏng vấn tôi cũng vậy. Các ý kiến đều xoay quanh về việc so sánh giữa tôi và các bạn học đại học, tại sao mọi người nghĩ rằng chỉ cần bạn có học đại học thì bạn đã hơn hẳn người khác nhỉ. Và nhiều bạn đã tốt nghiệp đại học ngành này vẫn chưa có được công việc lại bảo tôi điêu, bảo tôi xạo lờ. Tôi đã nghĩ rằng bản thân mình may mắn, khi được cho một cơ hội tốt nhưng nếu chỉ vậy thì tôi cảm thấy như mình không trân trọng vào những cố gắng của bản thân mình cho lắm nên chắc là giữ quan điểm trung lập vẫn tốt hơn nhỉ, năm mươi phần trăm là may mắn năm mươi phần trăm là nổ lực. Thực tế mà nói thì mình cũng không nên quan tâm người khác nghĩ gì về mình nhiều. Điều đó chẳng mang lại lợi ích gì (cá nhân tôi nghĩ thế). Chắc chỉ đơn giản là họ đang không tin vào bản thân họ, nên họ đương nhiên cũng không tin vào người khác, hay có thể là cảm giác thua kém khiến họ như vậy.

Thêm một thứ nữa không thể thiếu khi bạn bước vào con đường này, theo cá nhân tôi thì đó chính là SỰ TÒ MÒ. Cũng có thể hiểu nó là đam mê cũng được, nhưng đối với tôi thì nó xuất phát từ sự tò mò. Tò mò về việc vì sao một trang web được hiển thị như thế, vì sao nó chạy được, vì sao khi dùng cái này lại hay hơn cái kia, và rất rất nhiều thứ khác mà bản thân tôi không biết. Điều này khiến tôi như không bao giờ biết chán khi tìm hiểu và học IT, bởi vì kiến thức về ngành này rất nhiều, và sự tò mò của tôi cũng vậy. Nên nếu bạn có được một suy nghĩ giống tôi thì chắc rằng bạn cũng có khả năng trở thành một Dev đấy.

"Nghề này bạc lắm" "Kiểu gì rồi sau này cũng có bài nói chán rồi muốn chuyển ngành cho coi" BLa bla... Có thể sau này tôi sẽ không còn hứng thú với việc Dev nữa, nhưng điều đó chỉ là "có thể" thôi và hiện tại thì không.

p.